Hello mấy bạn lại là Duy đây, có ai có cùng sở thích với mình đó là máy bay không ta, thế có khi nào mấy bạn nghĩ mình sẽ phải làm gì khi được làm chủ của một hãng bay chưa, nếu đã từng nghĩ hoặc chưa nghĩ đến đi nữa thì nay mình giới thiệu tới mấy bạn một con game mình đã chơi từ năm 2016 tới giờ là Airlines Manager – Tycoon của nhà Playrion nha.
Giới thiệu về nội dung game:
Game Airlines Manager – Tycoon của Playrion
Airlines Manager – Tycoon là một game mà trong đó bạn trở thành một người chủ của 1 hãng bay mới được thành lập, bạn phải chuẩn bị mọi thứ cho hãng bay của mình phát triển một cách tốt nhất.
Bạn phải chọn HUB là nơi tất cả các chuyến bay của bạn sẽ xuất phát, HUB phải là những nơi có lượng khách đông đúc để đảm bảo những chuyến bay có một lượng khách nhất định. Bạn có thể mua nhiều HUB sau này và mỗi HUB sẽ có mức giá khác nhau tuỳ vào số lượng khách
Mình sử dụng Boeing 737-MAX9 cho chặn SGN – HAN
Tiếp theo bạn phải mua đến chặng bay, là nơi mà chuyến bay sẽ đi đến , nơi đến cũng thường phải là nơi có nhiều lượng khách cần đến và đi để đảm bảo lợi nhuận cho mỗi chuyến bay.
Chọn mua máy bay, điều này nghĩ thì dễ nhưng phải có nhiều sự tính toán vì sẽ có loại bay nhanh hoặc bay chậm cái này sẽ ảnh hưởng đến số chuyến bay trong ngày, ví dụ chiếc bay nhanh có thể thực hiện 6 chuyến trong 24h nhưng chiếc bay chậm sẽ chỉ thực hiện được 5 chuyến. Số chỗ ngồi và mức tiêu hao nhiên liệu của từng loại máy bay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của từng chuyến bay. Tuỳ chặng bay mà nên sử dụng máy bay cho chặng bay dài hay ngắn.
Cách sắp ghế mình chọn cho chặn SGN – HAN
Sau khi chọn được loại máy bay tối ưu cho chặn bay đó bạn cần phải chỉnh số lượng loại ghế thích hợp giữa economy, business và first class vì mỗi chặn bay sẽ có nhu cầu khác nhau cho từng loại ghế. Nhưng có điểm cần lưu ý là diện tích của từng loại ghế sẽ khác nhau first class sẽ chiếm nhiều diện tích nhất, nhưng với mình thì mình lại ưu tiên economy mặc dù vé sẽ rẻ nhưng lại có thể chứa dược nhiều ghế và vì những chặn bay của mình chọn lại có lượng khách economy khá cao.
Ngoài ra các bạn còn phải tính toán xem khi nào nên bảo trì máy bay vì khi bảo trì quá trễ máy bay sẽ xảy ra sự cố hỏng hóc sẽ khiến lợi nhuận bị giảm vì vậy nên bảo trì máy bay đúng thời điểm thích hợp.
Nhìn chung nói thì rất dễ nhưng khi bạn chơi thử con game này thì sẽ có rất nhiều thứ phải tính toán và suy nghĩ tất cả đều vì lợi nhuận của hãng bay của bạn từ đó bạn mới có thêm tiền để khuếch trương thêm hãng bay của mình.
Giao diện bản đồ của game:
Mình thấy cái game Airlines Manager – Tycoon này có giao diện khá thân thiện và dễ thao tác. Có 2 loại bản đồ mà bạn có thể sử dụng:
Bản đồ 2D:
Bản đồ 2D của game Airlines Manager – Tycoon
Bản đồ 2D loại này là classic rồi mình đang chơi loại bản đồ này.
Bản đồ 3D:
Bản đồ 3D của game Airlines Manager – Tycoon
Loại 3D này mới cập nhật trong năm 2023 thôi nhưng mà mình thấy nó hơi rối hay là do mình đã quá quen với loại 2D ta ?
Giao diện mua máy bay:
Giao diện mua máy bay của game Airlines Manager – Tycoon
Đây là nơi quy tụ các anh tài của các hãng sản xuất máy bay lớn nhỏ trên thế giới như Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier, Mitsubishi… và mới nhất là Comac
Với hơn 100 loại máy bay lớn nhỏ khác nhau phục vụ cho các tầm bay ngắn, trung và dài thì đây là nơi các bạn phải bắt đầu tính toán rất kỹ cho từng chặn bay của mình.
Giao diện mua máy bay của game Airlines Manager – Tycoon
Các bạn có thể chọn lựa mua máy bay hoặc thuê máy bay và đặc biệt hơn năm nay Playrion vừa cho ra mắt tính năng 2nd market là nơi mọi người có thể đấu giá bán hoặc đấu giá máy bay của người chơi khác, thường mình cũng sẽ mua ở đây vì giá rẻ hoặc vì có nhiều chiếc máy bay có màu sơn hiếm.
Giao diện Mini Game:
Giao diện mini games của Airlines Manager – Tycoon
Nếu các bạn là một tín đồ cày chay, an tâm đi mình là siêu cày chay mình chưa nạp tiền để mua đồ trong game lần nào cả, nhưng an tâm trong con game này có 3 mini game để các bạn có thể tìm thêm cho mình ít tiền hoặc nếu may mắn bạn có thể thắng được 1 chiếc máy bay
Slot Cockpit: Các bạn có thể xem quảng cáo để lấy vé miễn phí và quay để có thể trúng tiền và các vật phẩm khác.
Wheel of TravelCards: Là game quay vòng may mắn trúng thưởng TravelCards để các bạn mua máy bay hoặc vật phẩm, thường mình sẽ để dành cái này để mua những chiếc máy bay có màu sơn hiếm.
Maintenance game: Các bạn có 1 lượt chơi mỗi ngày để có thể giảm độ hư hại của máy bay, phần trăm bạn thắng trong game này sẽ được áp dụng lên các máy bay của bạn đang có để giảm phần trăm hư hại của các máy bay của bạn.
Tổng kết:
Mình là 1 người rất mau chán nhưng thật sự con game Airlines Manager – Tycoon này nó cuốn đến lạ nó khiến mình phải suy nghĩ, tính toán và khiến mình giống như người chủ thực sự, với mình nó không chỉ là 1 con game mà nó còn giúp mình có thêm những kiến thức về sở thích của mình. Một con game tưởng chừng như nhàm chán nhưng nó lại kích thích vào sự tò mò muốn tìm hiểu sâu thêm về các chiếc máy bay mà mình sử dụng. Một con game đáng để trải nghiệm.
Với lại còn 1 cái app nhỏ nữa là Airlines Painter, cho phép các bạn sơn các chiếc máy bay mà mình đang có, ở nơi đây các bạn có thể tự do chế tác các bảng vẽ hoặc sơn chiếc máy bay của các bạn theo sở thích riêng.
Hiện game có thể tải trong Google Play của hệ điều hành Android và App Store của các máy chạy hệ điều hành iOS nha.
Thử chơi đi rồi ghiền lúc nào không hay nha. Ok hoàn thành 1 bài giới thiệu về con game Airlines Manager – Tycoon cho các bạn ra nhá. Thôi mở Game Stick Lite chơi đây bỏ lâu quá rồi.